Căn cứ Công văn số 1489/SGDĐT-VSTBPN ngày 04 tháng 11 năm 2019 của ở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Đồng Tháp, về việc triển khai “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” năm 2019. Thực hiện theo nội dung Kế hoạch 249/KH-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh.Trường Tiểu học Thạnh Lợi 1 thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn trường năm 2019 (sau đây gọi tắt Tháng hành động), với những nội dung sau:
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.
Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững.
Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cán bộ, nhà giáo, người lao động về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hoá gia đình, trong lựa chọn sinh con theo giới tính, về vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Trong công cuộc đổi mới, công tác này góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của phụ nữ theo hướng tiến bộ về vị trí, vai trò của họ và giúp họ khẳng định được bản thân mình trong xã hội.
Bên cạnh tuyên truyền chính thống thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị thì ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: trang báo ngành, tổ chức và tham gia hội thi tìm hiểu về giới, phát tờ rơi… Các hoạt động này đã góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về giới tới các đơn vị, trường học, tới từng cán bộ, nhà giáo, người lao động trong toàn ngành nhằm nâng cao hiểu biết về giới và bình đẳng giới. Đồng thời vấn đề bình đẳng giới còn được tiến hành lồng ghép trong nhiều hoạt động chuyên đề của từng cơ quan, đơn vị, trường tiểu học Thạnh Lợi 1 cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, nhận thức vấn đề bình đẳng giới trong cán bộ, nhà giáo, người lao động vẫn còn thiếu sự thống nhất. Tư tưởng“trọng nam khinh nữ”ngự trị dai dẳng trong xã hội vẫn tiếp tục là hệ quả xấu đối với nam giới trong đối xử với nữ giới, là rào cản trong quá trình thực hiện bình đẳng giới. Sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực như về quyền lợi, nghĩa vụ, phân công lao động, cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến giữa nam và nữ.
Thực tế cho thấy, những phụ nữ hiểu biết xã hội, có trình độ chuyên môn thường có thu nhập cao hơn và cũng ít bị bạo lực hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc, muốn có sự bình đẳng giữa nam và nữ, trước hết mỗi phụ nữ, trẻ em gái cần chủ động học tập, phấn đấu để khẳng định vai trò, năng lực của bản thân.
Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ.
Hiện tượng bất bình đẳng vẫn phổ biến ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc phụ nữ là lao động chính song lại không có tiếng nói trong gia đình. Những người đàn ông thường giành thời gian cho việc làng, việc nước, họ hàng, rồi rượu chè, các tệ nạn xã hội… nên gánh nặng gia đình cũng như cường độ lao động và sự vất vả đều dồn lên đôi vai người phụ nữ.
Nguyên nhân trên do một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới, còn quan niệm cho rằng bình đẳng giới là ưu tiên cho phụ nữ và việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và của Hội phụ nữ VN. Nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong xã hội, nhất là lãnh đạo, cán bộ, công chức và nam giới…
Nếu bị bạo lực, trẻ em và phụ nữ phải mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ chính bản thân mình, đó chính là quyền lợi để bản thân có thể tự tin hòa nhập với cuộc sống hiện tại.
Hãy để thông điệp “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” là phương châm hành động của mỗi chúng ta nhằm góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững./.
Chúng ta hãy cùng nhiệt liệt hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2019 và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019. Các thông điệp tuyên truyền bình đẳng giới mà chúng ta cần phải thống nhất thực hiện chính là:
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019.
- Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
- Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
- Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.
- Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
- Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.
- Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại tình dục.
- Hãy tố cáo khi bị quấy rối tình dục.
- Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
- Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!
Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị xâm hại. Hãy lên tiếng khi bị bạo lực, mọi người sẽ giúp bạn. Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương, hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực.
Ưu điểm buổi tuyên truyền: Trong lĩnh vực giáo dục việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới đã giúp cho số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nữ làm công tác quản lý tăng lên rõ rệt; CBNG NLĐ đã tích cực giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong đơn vị. Trong phân công chuyên môn đều có chính sách ưu tiên cho nhà giáo là nữ cao tuổi, nữ có con mọn; Các chính sách của nữ đề thực hiện đầy đủ và kịp thời. Đội ngũ cán bộ nữ chiếm đa số tỉ lệ CBNGNLĐ trong đơn vị (19/25); có năng lực công tác tốt; đa số CBNGNLĐ có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và vượt chuẩn; số các đồng chí nữ làm cán bộ quản lý và trong Ban chấp hành cao. Không có hiện tượng bạo lực học đường xảy ra trong đơn vị đặc biệt là đối với học sinh nữ. Quan tâm đến nữ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
Chị em tham gia và thực hiện tốt phong trào “Mỗi cán bộ, nhà giáo giúp đỡ học sinh khó khăn”: đã quan tâm và giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Hỗ trợ áo quần, dụng cụ học tập cho nhiều học sinh khó khăn; tặng Bảo hiểm cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.