Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), em học sinh S. bị chậm phát triển nên lực học không bằng các bạn trong lớp, giọng đọc của em luôn lấp lửng, không rõ ràng… Chính vì vậy, trước mỗi kì thi, các giáo viên đã quan tâm, ôn tập kĩ lưỡng để em S. có thể hoàn thành các kì thi.
Trước đó, báo Dân trí phản ánh thông tin khi em Q.V.S. (học sinh Trường THCS Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đang học lớp 6 nhưng đọc, viết còn phải đánh vần.
Ngay sau đó, Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê đã có văn bản báo cáo với Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai và UBND huyện Chư Sê. Cụ thể, học sinh S. là một trẻ có trí tuệ chậm phát triển, rất nhanh quên. Qua các năm học, giáo viên trong trường nhận thấy em S. có nhận thức và mức độ hoàn thành các môn học đều không bằng các học sinh trong lớp. Mặc dù lớp đã tiến hành phụ đạo, kèm cặp và giúp đỡ nhưng em vẫn “học trước, quên sau” và có vấn đề về trí tuệ. Đồng thời, giọng đọc của em luôn lấp lửng, không rõ ràng, khi viết bài, tay em run run nên chữ viết rất xấu.
Theo đó, trường tiểu học Trần Quốc Toản nhận thấy năng lực của em S. không bằng các bạn trong lớp. Nếu tiếp tục lưu ban, sẽ tạo cho em S. mặc cảm, tự ti và em sẽ bỏ học. Việc làm này gây mất cơ hội học tập, rèn luyện và hòa nhập của một học sinh thiểu năng như em S.
Vì lương tâm và trách nhiệm với học trò khuyết tật, nên các giáo viên đã tiến hành phụ đạo, ôn tập kĩ trước mỗi kì thi nên em S. đã hoàn thành chương trình các lớp 2, 3, 4, 5. Cũng căn cứ vào bảng điểm của em S., nhà trường đã xét hoàn thành chương trình tiểu học và bàn giao em S. lên lớp 6. Qua xét bảng điểm, trường THCS Lê Duẩn đồng ý nhận em là đúng quy định.
Với việc xin phụ huynh xin ở lại, giáo viên chủ nhiệm vừa báo cáo lại cho nhà trường. Theo đó, trong buổi họp phụ huynh cuối tháng 5, phụ huynh đã đề cập việc xin cho em S. ở lại. Nhưng lúc này mọi thủ tục bàn giao của em S. lên lớp 6 đã hoàn thành nên gia đình không đề nghị nữa.
Qua sự việc trên, Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê sẽ tăng cường phối hợp với gia đình học sinh khuyết tật để thực hiện hồ sơ quản lý nhằm cho em S. học tập, hòa nhập theo đúng quy định. Đồng thời, Phòng sẽ chỉ đạo bộ phận chuyên môn cùng ban giám hiệu nhà trường tiến hành rà soát quy trình kiểm tra, đánh giá học sinh và xử lý nghiêm các cán bộ, giáo viên sai phạm.
Trao đổi về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Đông (Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học – Sở GD-ĐT Gia Lai) cho biết: “Qua nắm thông tin ban đầu, được biết em Q.V.S. (học sinh lớp 6, trường THCS Lê Duẩn) là học sinh chậm phát triển. Tuy nhiên chưa có cơ sở y tế nào kết luận chính thức về việc này. Theo đó, đối với những học sinh như thế này lẽ ra phải được các cơ quan y tế kết luận rồi có hồ sơ theo dõi, có biện pháp giảm nhẹ một số môn để học sinh chuyên tâm học các môn chính. Trong quá trình học, các cô giáo cũng thường xuyên quan tâm, theo dõi đôn đốc để cũng cố kiến thức cho em.”.
“Đối với những học sinh này, Bộ GD-ĐT cũng đã cho phép có sự điều chỉnh cho phù hợp. Những học sinh này nếu cho ở lại lớp thì khả năng cao sẽ bỏ học. Tuy nhiên cũng không nhất thiết phải cho lên lớp. Những trường hợp khuyết tật nặng, gia đình chỉ cho tới trường cho vui, xóa đi mặc cảm”, thầy Đông cho biết thêm.
Phạm Hoàng