Việt Nam đang phổ cập giáo dục nên chấp nhận hình thức ép buộc, thầy nói trò nghe và hậu quả số lượng lớn học sinh không thích nghi được.
Độc giả Đức Thành (Hà Nội) chia sẻ góc nhìn về sự việc học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) suýt bị đuổi học một năm vì xúc phạm thầy cô.
Mấy ngày nay dư luận nóng quanh thông tin nhóm học sinh có lời lẽ xúc phạm cô giáo trên Facebook và tính đúng đắn việc cô giáo xem điện thoại học sinh. Là độc giả, tôi không thể tìm hiểu kỹ nhóm học sinh có lời lẽ thế nào hay việc cô giáo xem điện thoại học sinh là đúng hay sai. Tôi chỉ xem xét ở một góc độ cách xử lý của cơ quan quản lý giáo dục mà đại diện cụ thể ở đây là Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Trãi và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa.
Chúng ta có thể thấy cách xử lý tiền hậu bất nhất. Phía nhà trường đưa ra hình phạt cứng rắn, mang tính răn đe khi đuổi học ba học sinh một năm, đuổi học một tuần bốn nam sinh và cảnh cáo trước toàn trường một nữ sinh. Phía Sở Giáo dục lại cho rằng quá nặng tay khiến dư luận phản ứng. Điều khiến tôi thắc mắc là dư luận đang phản ứng trước tính pháp lý khi cô giáo xem điện thoại học sinh, chứ không thấy ai phản đối việc đuổi bảy học sinhnày cả. Về phía phụ huynh thì bảy trên tám người đồng tình.
Giả sử như bảy em này bị đuổi học thì cuộc sống các em ra sao? Gia đình không quan tâm, nhà trường không quản lý, các em chỉ biết tiếp tục con đường chơi bời. Những học sinh khác liệu có nhận được bài học nào không? Nhưng nếu các em được đi học tiếp thì ra sao, liệu các em có tốt hơn không, những học sinh khác sẽ có thái độ học tập thế nào nếu không có một hình thức kỷ luật xác đáng? Chúng ta đang ở trong một vòng tròn luẩn quẩn, bối rối không biết cách xử lý như thế nào là phù hợp, mang lại hiệu quả.
Tôi xin đưa ra một câu chuyện khác. Tôi là học sinh 9x, đã nghe những lời lẽ xúc phạm thầy cô từ bạn bè từ những năm lớp 8 cho đến hết đại học. Có hơn quá nửa bạn bè tôi tiếp xúc có lời lẽ không tôn trọng thầy cô, dù lớp tôi học luôn đứng đầu trường về thành tích học tập. Số phận những bạn bè của tôi từng xúc phạm thầy cô ra sao?
Thực tế có người thành giám đốc, bác sĩ, kỹ sư, có người thành công nhân… Họ vẫn là những thành tố đóng góp trong xã hội, những mối quan hệ xung quanh họ có thể xem là ổn định trong xã hội, chưa có vụ việc tiêu cực nào mà họ gây ra. Dường như có hay không “tôn sư trọng đạo” cũng không cần thiết. Một thời gian dài trải qua đời học sinh cho đến hôm nay, tôi cho rằng việc học sinh không có sự tôn trọng cho thầy cô đã là “chuyện bình thường ở huyện”.
Vậy nguyên nhân nào xảy ra thực trạng trên?
Chúng ta lại bàn đến cái gốc của vấn đề, giáo dục là gì? Đơn giản là truyền tải kiến thức, kỹ năng, đạo đức từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có hai cách truyền tải là ép buộc và định hướng. Ép buộc chính là thầy nói trò nghe. Định hướng là thầy và trò cùng trao đổi, thảo luận mà người thầy đóng vai trò dẫn dắt. Với hình thức giáo dục ép buộc thì có ưu điểm chính là một người thầy, nhiều người cùng học. Loại hình này phù hợp với sự triển khai phổ cập giáo dục.
Hình thức giáo dục ép buộc có hai nhược điểm. Thứ nhất phụ thuộc quá nhiều vào trình độ người thầy. Thầy dạy hay, truyền tải dễ hiểu, nắm bắt tâm lý học sinh thì tốt. Thầy dạy dở, kiến thức yếu, truyền tải cứng nhắc thì học sinh chịu.
Thứ hai là cho dù thầy dạy hay đến mấy cũng không thể phù hợp với toàn bộ người nghe. Mỗi học sinh đều cần một phương pháp truyền tải riêng. Thực tế thì không có khả năng cho việc một trò một thầy, nhưng với hình thức giáo dục ép buộc lại khiến số lượng học sinh không tiếp thu được chiếm lượng lớn. Chúng ta có thể nhìn vào sự chênh lệch giữa số lượng học sinh khá giỏi và số lượng học sinh trung bình kém để biết chiếm lượng lớn là chiếm bao nhiêu. Đáng tiếc sự chênh lệch này cũng đang bị phai mờ bởi “bệnh thành tích”.
Với hình thức giáo dục định hướng thì ưu điểm là giảm thiểu số lượng học sinh không tiếp thu bài được. Nhược điểm của nó là cần số lượng người dạy đông và có chất lượng cao, mỗi lớp chỉ từ 5 đến 20 người. Những nước có giáo dục hàng đầu như Phần Lan, Na Uy đều đang đi đầu trong hình thức này.
Chúng ta đang làm gì để hạn chế, kiểm soát những học sinh này? Biện pháp phổ biến nhất chính là yêu cầu học sinh đọc bảng nội quy trường lớp, giúp các em hiểu mình phải đối mặt những gì khi vi phạm. Phụ huynh thì luôn muốn những gì tốt nhất cho con cái. Họ muốn con cái phải được học theo hình thức giáo dục định hướng, học sinh luôn phải được lắng nghe, thấu hiểu. Nhà trường phải là nơi con được giáo dục tốt. Không tốt thì chính là trách nhiệm của nhà trường. Nhưng thực tế rằng nhà trường chỉ đáp ứng được hình thức giáo dục ép buộc và kỷ luật. Nhìn lại giáo dục Việt Nam, chúng ta đang phổ cập giáo dục nên phải chấp nhận hình thức giáo dục ép buộc. Nhưng rõ ràng là nó để lại quá nhiều hậu quả với một số lượng lớn học sinh không thích nghi được. Với môi trường Internet mở rộng, kinh tế thị trường cạnh tranh thì có quá nhiều thứ ảnh hưởng đến sự phát triển của các em: thông tin sai lệch, gia đình không có thời gian quan tâm hay tình trạng bạo lực gia đình phổ biến, rồi tệ nạn xã hội len lỏi vào từng nhà. Nhà trường trở thành nơi các em thể hiện đầu ra của những đầu vào tệ hại. Xúc phạm thầy cô là một trong những kết quả của những đầu ra ấy.
Đuổi hay không bảy học sinh xúc phạm thầy cô giáo là một sự việc cho thấy chúng ta đang bối rối, đang không biết phải làm thế nào trong việc lựa chọn đường đi cho bánh xe giáo dục. Đây chính là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ cần đưa ra một định hướng giáo dục để phụ huynh, thầy cô, nhà trường, học sinh đồng thuận.
Cá nhân tôi cho rằng chúng ta cần thực hiện nền giáo dục cứng rắn toàn diện kết hợp với giáo dục định hướng từng bước. Cứng rắn đầu tiên chính là loại bỏ ngay căn bệnh thành tích. Cứng rắn thứ hai chính là chất lượng giáo viên đầu vào. Cứng rắn thứ ba mới đến thực hiện nghiệm minh nội quy nhà trường, lớp học đối với giáo viên và học sinh.
Tôi tin nếu thực hiện minh bạch, dân chủ, cầu thị thì sẽ có nhiều phương án được đưa ra. Vấn đề cốt yếu là có làm hay không thôi. Sẽ cần có nhiều hành động cụ thể, nhưng định hướng rõ ràng là phải có ngay lúc này. Tôi mong rằng Bộ Giáo dục sẽ đưa ra định hướng rõ ràng, cụ thể cho nền giáo dục nước nhà.
Đức Thành