TPHCM: Một giáo viên được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú

Trong danh sách 17 nhà giáo được đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT mà Sở GD&ĐT TPHCM trình Hội đồng xét tặng cấp thành phố, có 1 giáo viên bên cạnh các hiệu trưởng, chuyên viên, trưởng phòng, phó khoa.

Sở GD&ĐT vừa trình Hội đồng xét tặng cấp thành phố danh sách 17 nhà giáo được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT). Theo danh sách, một giáo viên được đề nghị cùng các hiệu trưởng, trưởng phòng, phó trưởng khoa, chuyên viên.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM thông tin, ngày 4/3, Hội đồng xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT của Sở GD&ĐT TPHCM đã họp, bỏ phiếu thông qua danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT lần thứ 15 năm 2020 cho 13 nhà giáo.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT nhận được hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu của 4 nhà giáo từ Hội đồng Sở Xây dựng (đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT tại trường Trung cấp Xây dựng TPHCM) và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Lãnh đạo TPHCM trao giải thưởng Võ Trưởng Toản 2019 cho giáo viên

Lãnh đạo TPHCM trao giải thưởng Võ Trưởng Toản 2019 cho giáo viên

Trong danh sách 13 người được đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT của Sở, có 11 nhà giáo là hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THPT, trường trung cấp; 1 người là chuyên viên của Phòng GD&ĐT. Có duy nhất một giáo viên là cô Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Danh sách 4 người của Hội đồng Sở Xây dựng và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch gồm các Trưởng phòng, Phó trưởng khoa.

Người ít tuổi nhất được đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT sinh năm 1973 và người lớn tuổi nhất sinh năm 1962.

Danh hiệu NGƯT được xét cho giáo viên, cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, thương yêu, chăm sóc, giáo dục học trò; gương mẫu; Giáo viên, cán bộ quản lý được xét tặng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có đóng góp trong việc xây dựng đơn vị, trường học trở thành Tập thể lao động xuất sắc; có ít nhất 7 năm là chiến sĩ thi đua cơ sở; NGƯT cần có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên; nếu là cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác từ 20 năm trở lên, trong đó 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

Hoài Nam

Trả lời