(GDVN) – Ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng: “Cái chết là đào tạo học sinh ngoan, vâng lời chứ không đào tạo học sinh thành những con người sáng tạo, có chính kiến”.
Sự việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy – giáo viên Trường trung học cơ sở Duy Ninh, Quảng Bình ra lệnh cho 23 học sinh tát bạn 230 cái và cô tát 1 cái chỉ vì em học sinh này nói bậy đã khiến dư luận bàng hoàng.
Đã có nhiều lời chỉ trích hướng về cô giáo vì cho rằng đây là hành vi bạo lực, phản giáo dục.
Khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng: “Đó là 231 cái tát vào ngành giáo dục.
Đây là lỗi của cô giáo chủ nhiệm nhưng lỗi lớn hơn là của thầy Hiệu trưởng và lỗi lớn nhất là của hệ thống giáo dục nước ta”.
Trẻ em không hề được nêu chính kiến, không được dạy để nói lên chính kiến của mình. Các em không hề được dạy sáng tạo và lối dạy như vậy đang tồn tại khắp miền trong đất nước.Thầy Hòa phân tích: “Hiện chúng ta vẫn duy trì cách dạy học là dạy học sinh ngoan và vâng lời, bảo sao và làm vậy.
Tư tưởng, mục tiêu giáo dục là học sinh ngoan và vâng lời. Một trăm, một nghìn cái học bạ đều ghi là chấp hành kỷ luật.
Chính tư tưởng giáo dục kiểu đó, nên khi cô giáo đưa ra mệnh lệnh thì mọi học sinh đều xem là kỷ luật và cứ thế chấp hành.
Cái chết của chúng ta là đào tạo học sinh ngoan, vâng lời chứ không đào tạo học sinh thành những con người sáng tạo, có chính kiến”.
Vì theo quan điểm của thầy Hòa: “Khuyết điểm có hệ thống của giáo dục nước ta chạy theo thành tích, chạy theo kết quả thi, chạy theo các kỳ thi chứ không chạy theo mục tiêu giáo dục là con người”.Sau khi phân tích, thầy Hòa kiến nghị: “Từ sự việc này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải suy nghĩ, thay đổi mới chứ không phải chỉ chỉ ra khuyết điểm của cô giáo Phương Thủy”.
Do đó, thầy Hòa rất lo lắng: “Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng đã chỉ ra giáo dục hướng tới mục tiêu hình thành nhân cách, dạy đứa trẻ biết sáng tạo, thành con người.
Đây là tư tưởng giáo dục đúng đắn nhưng ngành giáo dục hiện nay chỉ đạo từ trên xuống dưới vẫn là phải đào tạo học sinh ngoan, đào tạo kiến thức để thi cử”.
Thầy Hòa thở dài ngán ngẩm: “Mới đầu, tôi hoàn toàn bất ngờ về chuyện 231 cái tát nhưng rồi nghĩ lại thì không bất ngờ nữa. Bởi giáo dục theo kiểu vâng lời nên kết quả là thế thôi.
Một người làm sai mọi người không dám có ý kiến. Các bạn trong lớp không ai dám ý kiến vì tất cả đều ngoan và vâng lời vì cô giáo chủ nhiệm là trên hết.
Cô giáo chủ nhiệm có ý kiến không học sinh nào dám phản ứng vì nếu phản ứng thì bị quy chụp là không chấp hành kỷ luật”.
Tôi rất căng thẳng về chuyện này, nếu một nhà trường như vậy mà hiệu trưởng không chịu trách nhiệm chỉ đổ hết tội cho giáo viên chủ nhiệm là không đúng.Theo thầy Hòa: “Cần thiết phải cải cách, tổ chức giáo dục trong các nhà trường như thế nào và tôi nghĩ rằng hiệu trưởng, Bộ trưởng phải là người chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra các vụ việc này.
Hiệu trưởng phải giáo dục học sinh, giáo dục giáo viên của mình, phải quan tâm chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước.
Hơn nữa, bản thân Hiệu trưởng phải có tư duy giáo dục, phải trên tầm, trên đầu các giáo viên chứ tư chất, năng lực, tầm nhìn không khác giáo viên chủ nhiệm thì còn gọi gì là hiệu trưởng nữa.
Cách đào tạo hiệu trưởng, quy trách nhiệm cho hiệu trưởng như hiện nay cũng phải thay đổi”.
Cuối cùng thầy Hòa cho rằng: “Ngành giáo dục hiện vẫn cứ chạy theo thi cử mà chưa chịu đổi mới.
Riêng trường của tôi đón Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng như cá gặp nước, rồng gặp mây.
Trường tôi áp dụng và thay đổi hoàn toàn nhất là 5 năm trở lại đây đột phá và chuyển sang bước mới.
Do đó, nếu Bộ trưởng không tỉnh táo thì giáo dục còn nhiều vụ việc nữa. và đây là 231 cái tát vào ngành giáo dục”.