Trong 3 năm gần đây, tính bình quân số sách của người Việt đọc là 4 đầu sách/người/năm nhưng… trong đó có hơn 3 cuốn là sách giáo khoa, giáo trình học tập.
Thực trạng đọc sách của người Việt được ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ” vừa diễn ra tại TPHCM.
Ông Hoàng cho biết, gần 10 năm qua (2010-2019), chúng ta chưa thực hiện hoàn thành chỉ tiêu 6 đầu sách/người/năm theo Chỉ thị 42/2014 của Ban Bí thư đề ra. Cũng như con số đáng buồn qua số liệu thống kê của Bộ Văn Hoá Thể thao Du lịch về việc tiếp cận thư viện của người dân Việt Nam: tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng rất thấp, chỉ có 0,057% dân số, tương đương 564.133 người/90 triệu dân. Nếu so với mục tiêu phấn đấu 85% người dân (trong đó 90% là học sinh, sinh viên) sử dụng thư viện thì sự chênh lệch còn quá lớn.
Không chỉ “ngại” đọc sách mà vấn đề đáng quan tâm là thực trạng đọc sách của người Việt cũng có rất nhiều vấn đề, phần lớn người Việt đọc giáo trình, công cụ dành cho việc học.
Ông Lê Hoàng thông tin, theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, chia trên 90 triệu dân, bình quân 4 đầu sách/người nhưng nếu phân tích sâu hơn thì số lượng SGK, giáo trình là sách công cụ để học tập là trên 300 triệu bản, chiếm 80% trong tổng số 400 triệu bản trên.
Số lượng học sinh cấp 1, 2, 3 có khoảng 22 triệu học sinh trên cả nước trên tổng số 90 triệu dân. Như vậy, số bản sách còn lại gần 100 triệu bản dành cho trên 90 triệu dân sẽ phân bổ chỉ khoảng 1 đầu sách/người/năm.
Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, trong khi khối Đông Nam Á có 3 nước, Singapore đứng thứ 36, Malaysia đứng thứ 53 (Malaysia: 12 đầu sách/người/năm) và Indonesia đứng thứ 60.
Tại tọa đàm, nhiều nhà quản lý giáo dục, nhiều giáo viên cũng chia sẻ thực trạng, học sinh lo học, lo thi cử, không có thời gian để đọc sách. Hoặc có đọc chỉ đọc SGK, tài liệu tham khảo cho việc học. Và chính không ít nhà quản lý, giáo viên còn nhận thức rằng, học sinh chỉ cần đọc, học qua SGK, tài liệu học tập là đủ.
Các ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần xây dựng chương trình học có tiết/giờ đọc sách chính thức áp dụng cho tất cả trường tiểu học phổ thông trên cả nước để hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ cho học sinh.
Hoài Nam