Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, điều chỉnh giá sách giáo khoa (SGK) nằm trong kiểm soát lạm phát của cả năm và tác động không nhiều đến mặt bằng giá cả nói chung.
>>Chính thức tăng giá sách giáo khoa từ 1.000 – 1.800đ/cuốn
>>Bị “tuýt còi” tăng giá sách: Nhà xuất bản Giáo dục trần tình kêu lỗ đã nhiều năm?
Chia sẻ xung quanh việc tăng giá SGK của NXB Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện quy định của pháp luật về giá tại Luật Giá, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP, Thông tư số 56/2014/TT-BTC, Thông tư số 233/2016/TT-BTC thì SGK thuộc danh mục mặt hàng kê khai giá.
Theo đó, trước khi xem xét điều chỉnh các mức giá phù hợp với những yếu tố biến động của thị trường, đặc biệt là yếu tố đầu vào sản xuất để tác động đến giá thành sản phẩm, đơn vị sản xuất lập phương án kê khai giá cho cơ quan quản lý nhà nước (bao gồm cả trường hợp điều chỉnh tăng và điều chỉnh giảm).
Ở đây, đối với mặt hàng sách giáo khoa, chủ thể tiếp nhận là Bộ Tài chính. Như vậy, việc NXB thực hiện kê khai giá SGK với Bộ Tài chính là phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
Theo phương án giá của NXB Giáo dục Việt Nam kê khai với Bộ Tài chính cho thấy, qua 8 năm liên tục chưa thực hiện điều chỉnh giá SGK. Với các biến động gia tăng của thị trường đã tạo ra khoản lỗ nhất định cho việc xuất bản sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam qua các năm.
Theo hồ sơ kê khai của NXB Giáo dục Việt Nam thì trên cơ sở phương án giá của năm 2016 để điều chỉnh cho năm 2019, để tính đúng, tính đủ theo quy định của Luật Giá và các phương pháp tính giá, NXB Giáo dục Việt Nam đề xuất phải điều chỉnh giá SGK điều chỉnh khoảng 20,2%.
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và chia sẻ với người tiêu dùng, NXB GD đã rà soát và tiết giảm các khoản chi phí để điều chỉnh ở mức thấp nhất như phương án đã kê khai với Bộ Tài chính, trong đó, các yếu tố chính để tác động đến phương án tăng giá SGK gồm tiền giấy, một số chi phí liên quan đến tiền lương theo quy định của pháp luật; không có kết cấu lợi nhuận trong đó.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc điều chỉnh giá SGK năm 2019, được kê khai từ tháng 2/2019 và sẽ có tác động chủ yếu vào tháng 7-8-9/2019 (thời điểm bắt đầu năm học mới).
Theo tính toán, việc thực hiện tăng giá SGK sẽ tác động làm tăng CPI chung của cả năm khoảng 0,07%. Vấn đề này cũng đã được tính toán trong báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành Chính phủ giá tại phiên họp đầu năm để có nhìn tổng quan về điều hành giá cả thị trường năm 2019.
“Như vậy, điều chỉnh giá SGK nằm trong kiểm soát lạm phát của cả năm và tác động không nhiều đến mặt bằng giá cả nói chung” – ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Trước đó, ngày 29/3/2019, Bộ GDĐT đã họp, đồng ý chủ trương thực hiện điều chỉnh giá SGK hiện hành của NXBGDVN theo hướng tính đúng, tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản; đề nghị NXBGDVN rà soát, điều chỉnh lợi nhuận từ các mảng kinh doanh khác bù lỗ kinh doanh SGK đảm bảo mức giá điều chỉnh phải thấp hơn mức giá tính đúng, tính đủ để chia sẻ khó khăn với các bậc phụ huynh.
Với phương án đã được phê duyệt, giá bán của các bộ SGK từ lớp 1 đến lớn 12 sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1.000 đ đến 1.800đ/cuốn. Bảng giá SGK từ lớp 1 đến lớp 12 được tổ chức niêm yết công khai tại các cửa hàng sách của NXBGDVN, các công ty Sách – Thiết bị trường học cả nước và trên website của NXBGDVN.
SGK phục vụ năm học 2019-2020 sẽ bắt đầu được phát hành từ tháng 4/2019. Năm nay, NXBGDVN thực hiện kiện toàn lại hệ thống cửa hàng đảm bảo luôn đầy đủ SGK tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước. NXBGDVN thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết kịp thời mọi khúc mắc về nhu cầu mua SGK của học sinh và phụ huynh
Danh mục SGK của từng lớp được in trên bìa 4 của mỗi cuốn sách SGK để phụ huynh và học sinh có thể căn cứ vào đó chọn mua đúng tên, số lượng SGK theo danh mục quy định.
Để tăng tỉ lệ sử dụng lại sách giáo khoa, NXBGDVN đã thực hiện in dòng khuyến cáo: “Hãy giữ gìn SGK để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” trên trang 1 của tất cả các cuốn SGK.
Hồng Hạnh