Trong đời sống xã hội ngày nay, bên cạnh việc phát triển về kinh tế xã hội, chính trị của đất nước thì đời sống văn hóa nói chung và văn hóa trong nhà trường nói riêng ngày càng được chú trọng và nâng cao, đặc biệt là với cấp học tiểu học. Đây cũng là hướng phát triển chung giúp kế thừa, nâng cao giá trị văn hóa trong tiềm thức của mỗi con người, có thể tạo nên những diện mạo mới cho nền văn hóa của quốc gia sau này.
Giáo dục âm nhạc có tác động tới quá trình hình thành nhân cách rất lớn cho trẻ nhỏ. Ngay từ khi còn thơ ấu, trẻ được sống và bao bọc trong tình yêu thương cùng những lời ru ầu ơ của cha mẹ. Những trò chơi dân gian luôn là nơi thể hiện suy nghĩ, liên tưởng độc đáo và sáng tạo của các em. Bên cạnh đó những tác động của môi trường khách quan, chủ quan cũng có ảnh hưởng trực tiếp tới suy nghĩ của các em.
GD âm nhạc trước hết là thực hiện mục tiêu GD thẩm mỹ.Vì vậy, đòi hỏi phải tìm hiểu, nắm vững bản chất đặc trưng của nghệ thuật âm nhạc. Ở trường, thể loại nhạc dạy các em chủ yếu là những bài ca viết về quê hương, đất nước, thầy cô, gia đình, ba mẹ,… Bên cạnh đó, các thầy cô cũng sử dụng nhiều nhạc cụ: Đàn tranh, đàn sến, đàn bầu, guitar, organ,… để giúp các em học tập. “Ngoài ra, mục tiêu và nhiệm vụ của môn Âm nhạc ở nhà trường còn trang bị cho học sinh một số kiến thức về kỹ năng ca hát, đọc và nghe nhạc; về lý thuyết âm nhạc ở mức độ đơn giản để ở chừng mực nào đó, các em có thể tham gia các hoạt động âm nhạc của cộng đồng. Hình thành cho học sinh những hiểu biết sơ đẳng về cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật âm nhạc, ý nghĩa, tác dụng của âm nhạc với đời sống, đồng thời mở mang vốn hiểu biết về âm nhạc dân tộc Việt Nam, tinh hoa âm nhạc thế giới, góp phần bồi dưỡng tình cảm, đạo đức, trí tuệ, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, làm phong phú thế giới tinh thần nhằm phát triển hài hòa, toàn diện nhân cách học sinh”.
Âm nhạc là một trong những phương tiện hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ giáo dục (GD) đạo đức, thẩm mỹ, góp phần GD học sinh toàn diện, hình thành nhân cách con người. Đồng thời, bước đầu hình thành khả năng cảm thụ, hiểu và thể hiện nghệ thuật âm nhạc, khơi dậy ở các em khả năng sáng tạo trong hoạt động âm nhạc,…
GD âm nhạc là hình thức GD nghệ thuật mang tính đặc thù. Nó có khả năng liên kết, sử dụng cũng như hỗ trợ, lồng vào tất cả hình thức, nội dung GD khác, làm cho chúng đạt đến hiệu quả cao trong việc thực hiện những yêu cầu, mục tiêu GD. Môn Âm nhạc ở trường Tiểu học gồm nhiều phân môn: Âm nhạc thường thức, Học hát, Tập đọc nhạc. Mỗi phân môn có một vai trò nhất định. Ví dụ, với phân môn Học hát: Hoạt động ca hát có vị trí quan trọng trong đời sống con người; bài hát phản ánh một cách hình tượng những khái niệm sâu sắc về cuộc sống, thiên nhiên, con người và tất cả mối quan hệ, tư tưởng, tình cảm. Hoạt động ca hát ảnh hưởng trực tiếp đến con người bằng tác động của âm nhạc và lời ca. Giọng hát không chỉ là phương tiện thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của người hát mà còn khơi dậy ở người nghe những cảm xúc tương ứng, những hiểu biết nhất định mang lại sảng khoái thẩm mỹ. Nó khơi dậy trong học sinh những cảm xúc hướng tới chân – thiện – mỹ.Ca hát là một hoạt động quan trọng, bản chất của nó là thông qua luyện tập giúp học sinh có tinh thần sảng khoái, ươm mầm những ước mơ tươi đẹp. Chẳng hạn, khi nghe bài hát “Ngày đầu tiên đi học”, trong lòng học sinh trào dâng một cảm xúc êm đềm về tình mẹ, về kỷ niệm tuổi thơ,…”.
Tác dụng của môn Âm nhạc đối với học sinh trong nhà trường là điều không thể phủ nhận, bởi đây là một trong những phương tiện hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ GD đạo đức, thẩm mỹ nhằm góp phần GD học sinh toàn diện, tạo cơ sở hình thành nhân cách con người, là môn học không thể thiếu được.
Lê Khải Hoàn