“Nếu có thể trở thành bất kỳ nhân vật nào trong một cuốn sách, con sẽ chọn ai? Tại sao?”. Câu hỏi này giúp kích thích tư duy của trẻ.
Lần cuối con bạn thao thao bất tuyệt về công trình xây dựng bằng Lego là khi nào? Bạn có thường được con chia sẻ không ngần ngại về những điều chúng thực sự quan tâm?
Sự cởi mở trong giao tiếp có thể được rèn luyện từ những ngày còn rất bé, từ những gợi ý tinh tế của bố mẹ. Trang Motherly chia sẻ ba bí quyết khi mở đầu cuộc hội thoại với trẻ.
1. Nhận thức về sự non nớt của trẻ
Không giống người lớn, trẻ chưa thuần thục về nghệ thuật giao tiếp mà mới ở giai đoạn đầu. Tùy thuộc vào độ tuổi, mỗi đứa trẻ có trình độ kỹ năng khác nhau. Ngay cả khi đã ở tuổi thanh thiếu niên, chúng vẫn đang tinh chỉnh và luyện tập để hoàn thiện.
Do đó, mỗi khi nghe trẻ nói một câu ngắc ngứ hay không biết cách xử lý cuộc hội thoại, bạn hãy xem đó là cơ hội để giúp trẻ thực hành giao tiếp.
2. Thể hiện sự tò mò
Khi bạn đặt câu hỏi và trẻ trả lời chỉ với một từ cụt ngủn, mẹo nhỏ là hãy tỏ ra tò mò để khích lệ trẻ nói thêm.
Nếu trẻ mô tả bộ phim vừa xem bằng một tính từ, bạn nên tìm cách mở rộng thông tin bằng câu hỏi: “Tại sao lại chán?”, “Cảnh thú vị nhất trong phim là gì?”, “Con đoán là nhân vật chính nghĩ gì khi bị sa bẫy kẻ thù?”.
Do sở hữu kho từ vựng và kinh nghiệm phong phú, người lớn dễ dàng thuật lại các sự kiện và cảm xúc. Trong khi đó, trẻ đang trong quá trình tích lũy nên rất cần được bố mẹ giúp đỡ. Thông qua các câu hỏi cụ thể, phụ huynh sẽ góp phần vẽ nên bức tranh sống động hơn trong đầu trẻ.
3. Bắt đầu cuộc trò chuyện bằng chủ đề quen thuộc
Những chủ đề yêu thích của trẻ là điểm khởi đầu tuyệt vời nhất trong một cuộc hội thoại. Trẻ rất háo hức kể cho bố mẹ mọi điều chúng biết về chủ đề này, có thể là trò chơi video, bộ truyện tranh hay kiến thức về loài khủng long.
Dưới đây là 10 câu hỏi giúp đoạn hội thoại giữa bố mẹ và trẻ có chiều sâu hơn. Bạn có thể sử dụng chúng khi đang lái xe, xếp hàng hay ăn bữa tối cùng con.
1. Việc mà cả nhà chúng ta làm rất giỏi là gì nhỉ?
2. Con mong chờ điều gì về…?
3. Chuyện vui nhất (kỳ lạ nhất, buồn chán nhất…) mà con bắt gặp trong ngày hôm nay là gì?
4. Con muốn có siêu năng lực nào nhất? Thế còn siêu năng lực nào con không muốn có nhất?
5. Nếu có thể trở thành bất kỳ nhân vật nào trong một cuốn sách, con sẽ chọn ai? Tại sao?
6. Con thích thời điểm nào nhất trong ngày và mùa nào nhất trong năm?
7. Con hãy kể một kỷ niệm đẹp nhất trong dịp sinh nhật (hoặc các ngày lễ khác).
8. Nếu con có thể giải quyết một vấn đề của thế giới, đó sẽ là gì?
9. Nếu có thể, con muốn lặp lại phần nào của ngày hôm nay nhất? Còn phần nào con muốn thay đổi?
10. Con nghĩ giờ này ông/bà đang làm gì?
Bạn hãy tiếp tục lắng nghe và phản hồi về những mẩu chuyện nhỏ mà con kể, nhờ đó chúng sẽ tin tưởng lựa chọn bố mẹ để chia sẻ chủ đề phức tạp về sau.